Trường THCS Sông Trí tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về “Mùa xuân trên quê hương em”

Thứ bảy - 26/02/2022 16:20    Đã xem: 2591
Ngày 26/02/2022, Câu lạc bộ “Em yêu văn học” của Trường THCS Sông Trí - thị xã Kỳ Anh đã tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về “Mùa xuân trên quê hương em”.
        Câu lạc bộ “Em yêu văn học” từ lâu đã trở thành một sân chơi bổ ích cho các em học sinh yêu văn học của trường THCS Sông Trí, với các hoạt động được tổ chức hàng tháng, hàng năm vô cùng sinh động và hấp dẫn. Từ sân chơi này, Câu lạc bộ đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây bút nhí có niềm đam mê và năng khiếu thơ văn, nhiều trang viết đầu tay của các em đã được ươm mầm từ mảnh đất  này. Nhân dịp xuân mới Nhâm Dần 2022, Ban biên tập CLB phát động cuộc thi viết về “Mùa xuân trên quê hương em”, nhằm phát hiện và bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng, giúp các em có cơ hội thể hiện niềm đam mê, yêu thích văn học, đồng thời khơi dậy tình yêu và niềm tự hào về những đổi mới của quê hương, từ đó các em có những ước mơ và việc làm thiết thực để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
          Sau 1 tháng phát động, Ban biên tập đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh với hơn 300 bài thi của các lớp chọn lọc gửi về, trong đó có nhiều bài viết có chất lượng tốt, phong phú về nội dung và thể loại, thể hiện được cảm xúc của các em trước sự đổi mới của quê hương và vẻ đẹp của quê hương khi mùa xuân về; là những câu chuyện về tình cảm gia đình trong ngày tết cổ truyền; kỷ niệm về thời khắc thiêng liêng trong phút giao thừa hay một trải nghiệm thật ý nghĩa của bản thân trong ngày tết…Đó là những tình cảm trong trẻo nhất, đáng trân quý nhất mà các em có được trong những ngày xuân trên quê hương mình.
 
Cô giáo Võ Thị Anh Ngọc – TTCM, trưởng BTC tổng kết cuộc thi
        Ban biên tập đã chọn ra được các tập thể và cá nhân xuất sắc đạt giải:
        Tập thể: Giải nhất: 8B, giải nhì: 9E, giải ba: 7A.
      Cá nhân: Giải nhất: Nguyễn Lan Hương, Nguyễn Trần Thảo Nhiên. Giải nhì: Ngô Bảo Châu, Nguyễn Hà Phương, Nguyễn Tô Thủy Trinh, Lê Việt Hằng, Bùi Trần Bảo Trâm, Phạm Quỳnh Chi, Nguyễn Mai An Lộc. Giải ba: Lê Thục Nguyên, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Mai Phương, Võ Hoàng Hải. Giải KK: Trần Hiếu Diễm, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Thị Thùy Phương, Phạm Ngọc Cẩm Nam, Đặng Trà Giang, Nguyễn Đậu Khánh Ngân, Nguyễn Thúy Hằng, Phùng Việt Thảo, Đặng Như Ý, Lê Thị Việt Nga.
 
BGH, Chủ nhiệm CLB trao giải cho các tập thể 8B, 9E, 7A
BGH trao giải Nhất cá nhân cho bạn Nguyễn Lan Hương lớp 8A và bạn Nguyễn Trần Thảo Nhiên lớp 7A
Ban Chủ nhiệm CLB trao giải Nhì
Thầy TPT Đội, Chủ nhiệm CLB trao giải Ba
        BBT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thi đạt giải.
                          QUÊ HƯƠNG ƠI CÓ BAO GIỜ ĐẸP HƠN THẾ!
(Nguyễn Mai An Lộc- 8A)
        Hôm nay, khi bước ra đường, tôi đã cảm nhận được những hương vị vô cùng quen thuộc và đặc biệt của mùa xuân: tiết trời trở ấm, mai đào quất cùng nhiều loài hoa được bày bán khắp nơi, mọi người nô nức đi chợ Tết, cành cây để lộ những nụ non đang đâm chồi. Và năm nay, bầu không khí Tết đến xuân về càng thêm rạo rực trên quê hương tôi- Thị xã Kỳ Anh đang ngày càng đổi mới,  tràn ngập sắc xuân và rực rỡ hơn bao giờ hết.
         Thật vậy, chưa có năm nào như mùa xuân năm nay, quê hương tôi đẹp đến thế. Ở các con đường nhỏ trong thôn xóm, nhà nhà không ai bảo ai, họ cùng nhau trang trí thật lộng lẫy với cờ hoa, đèn nháy, cây nêu… Thế nên, vào buổi sáng, những con đường sẽ trở nên tươi mới và tràn đầy màu sắc. Còn vào ban đêm, con đường chẳng khác gì một phố đi bộ lung linh và huyền ảo, sáng rực bởi những ánh đèn. Ở trên quốc lộ và các ngả đường lớn, cứ cách một khoảng, sẽ có một cái cổng vòm đèn led được nối từ bên này sang bên kia đường. Khi đêm đến, nó không chỉ có tác dụng chiếu sáng mà còn là để tạo điểm nhấn cho bức tranh thị xã thêm rực rỡ. Đặc biệt, cầu Trí nối hai bờ quê hương năm nay cũng được trang trí vô cùng bắt mắt: cầu vừa được sơn lại màu trắng sáng, lại vừa được gắn đèn led thành hình vòng cung, vì vậy mà vào mỗi buổi tối, nhìn từ xa, cây cầu như một con rồng nhiều màu sắc đang uốn lượn, mỗi khi đi qua cầu, người dân đều rất thích thú ngắm nhìn. Còn tại khu vực trung tâm hành chính của cả thị xã, hay thường được gọi là sân Thị ủy được trang trí rất cầu kì, mang đậm màu sắc ngày Tết. Ở đây, người ta đặt một con hổ lớn nhân tạo - linh vật của năm nay cùng với khung chữ:“Chúc mừng năm mới 2022”, ở xung quanh còn có cây đào, cây mai và các loài hoa khác đang nở rộ tuyệt đẹp.  Mọi người náo nức đến đây thưởng ngoạn, du xuân, lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất của gia đình cho một mùa xuân mới.
          Xuân mới mang theo nhiều điều hứa hẹn và khát khao, thị xã Kỳ Anh quê tôi đang nỗ lực, phấn đấu khômg ngừng nghỉ từng ngày, từng giờ, nhằm vươn mình để trở thành một đô thị mới, phát triển về mọi mặt của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Bởi lẽ đó, cảng Vũng Áng- khu kinh tế trọng điểm của cả thị xã sáng rực ánh đèn, hòa vào bầu không khí lao động vẫn nhộn nhịp, khẩn trương ngay cả những ngày đầu xuân năm mới. Thật tự hào vì Thị xã Kỳ Anh  đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn, đem đến một sinh khí mới cho quê hương.   
         Sáng mùa xuân, bước ra đường, nhìn ngắm sự đổi mới của quê hương, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc, xuân của quê hương, xuân của lòng người hòa trong linh khí của đất trời. Quê hương tôi đẹp quá, đẹp quá đi!
 
MÙA XUÂN CỦA CHÁU BÀ VỢI
(Nguyễn Trần Thảo Nhiên-7A)
        Con đường gập ghềnh về xóm miền núi Kỳ Hoa, chiều xuân như chậm lại bới ánh nắng cuối ngày vẫn đượm vàng sóng sánh. Lũ trẻ con đang nô đùa, dàn trận đủ trò bên sân bóng của thôn. Mình lại gặp nó trong nô nức của ngày hội nhận quà của trẻ nhỏ các hộ nghèo nhân dịp đón Tết.
          Đã gặp nó hai lần mà mình vẫn chưa biết tên, chỉ biết nó là cháu bà Vợi, hộ đơn thân, hộ nghèo của xã. Hai anh em nó không có cha, sống cùng mẹ và bà ngoại trong một căn nhà tình nghĩa hai gian, vừa được xã và xóm hỗ trợ xây dựng cách đây không lâu. Mẹ nó chưa đến ba chục tuổi mà già nua, thần trí nửa tỉnh nửa mê. Đến nhà nó, chỉ nghe tấy tiếng bà ngoại nó rôm rả kể chuyện mà chuyện kể nhiều nhất là về anh em nó.
          Nó học lớp 7, bằng tuổi mà đứng mới ngang vai mình. Nó có đôi mắt sáng, nước da ngăm đen vì chăn trâu và đôi chân đầy sẹo vì chạy miết ngoài cánh đồng đá bóng cùng lũ bạn. Em trai nó học lớp 4, mũm mĩm và trắng hơn nó. Mẹ bị bệnh mà anh em nó khôn ngoan thấy rõ. Nó nói với mình trong lần đầu gặp mặt: “Tau học tàm tạm, em tau thì học giỏi hơn; tau chỉ đá bóng, trèo cây là khá. Mi mà thích ăn cơm cá khô, uống nác khe nác suối, hái me hái sim và nằm võng lác, ngắm trâu và ngắm trăng thì về đây với choa!”, rồi nó cười “Ha ha”, nghe như “địa chủ nhà nghèo” làm mình cũng cảm thấy ghen tỵ với nó.
        Mà lạ thật ấy chứ, nghèo mà mình thấy nó sướng hơn bọn trẻ dưới phố thị như mình. Không hề bị áp lực việc học tập, học không chăm, không giỏi cũng chả bị ai so sánh, lại không bị ai quản thúc thời gian, nó được chạy nhảy khắp nơi, đến tận tối mịt mới lùa trâu về nhà cũng không bị ai nạt. Nhà nó không có ti vi, cũng chả có điện thoại mà mình thấy nó biết đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện kể về những vì sao, chuyện săn thú trên rừng, hái sim, bắt cá bên bờ suối, rồi từ mơ ước làm nhà trên cây đến mong ước trồng hoa, ươm cây bên thềm giếng cho bà ngoại,… nó nói vanh vách như một nhà văn vậy. Có những chuyện hai đứa rông dài, nghe thú vị đến mức mình cũng muốn “tráo đổi” vị trí cho nó ấy chứ.
          Thú thật, mình cũng thích được lang thang như nó, chạy nhảy khắp nơi cùng lũ bạn chân đất đá bóng, trèo cây. Mình cũng muốn có một thằng em trai như nó, để cùng nhau bày đủ trò đánh trận quanh chuồng trâu, gốc rơm, vườn sắn của ngoại. Mình cũng mơ ước được tự do, thích chi gặp chi ăn nấy, được nói rông nói dài cùng với lũ bạn của em trai mà không bị dèm pha,… Cho đến khi thấy nó nhận gói quà Tết mẹ mình trao, nó vội vã thò tay vào lấy cái phong bì rồi chạy thẳng vào nhà đưa cho bà ngoại, nó bảo để bà lo cho mẹ nó, mình mới thấy hết cái sự may mắn của mình. Mọi sự so sánh giữa nó và mình từ lần gặp trước đến giờ mình đều thấy trở nên vô nghĩa. Mẹ từng bảo, không ai được chọn cách mình sinh ra, nhưng lại được chọn cách mình sống. Mình biết, nhiệm vụ chính của mình là chỉ việc ăn với học, còn nhiệm vụ chính của nó là làm sao để có cái ăn, cái học. Kỳ vọng của bố mẹ đối với mình là chăm ngoan, nhưng kỳ vọng của bà ngoại đối với nó là lao động, là cáng đáng, là trách nhiệm,... Đứng trước nó, mình thấy những lo lắng, buồn phiền của mình trở nên nhỏ nhặt quá.
        Mình đem mấy cuốn sách mới đặt lên giá củi cho nó, giúp nó xếp lại góc học tập sơ sài, rồi quay sang cầm tay bà ngoại nó trong ánh mắt đầy yêu thương của mẹ. Mình biết, mẹ cho mình đi theo không phải để “thoát ly điện thoại vài tiếng đồng hồ” như mẹ mình nói, mà mẹ đã cho mình hiểu hơn về giá trị cuộc sống mà mình đang có.
        Chia tay nó trong bịn rịn gió xuân. Mình tin cả nó và mình sẽ cùng cố gắng sau khi nhận được chia sẻ yêu thương trong cuộc gặp gỡ mẹ mình đã sắp đặt này. Tết về vơi anh em nó và Tết cũng về với mình rồi đó!
 
XUÂN QUÊ EM
(Lê Việt Hằng- 9E)
Sáng nay em tỉnh dậy
Thấy sắc xuân ngập tràn
Đào đỏ tươi xòe cánh
Khoe cùng hồng, mai, lan...

Cờ đỏ bay rợp phố
Lòng người cũng hân hoan
Mưa phùn rây nhẹ hạt
Yêu mùa xuân vô vàn

Xuân bình yên hạnh phúc
Mong mọi nhà an vui
Xuân quê em đẹp lắm
Xuân thắm màu sắc tươi.
                
MÙA XUÂN TRÊN QUÊ HƯƠNG EM
(Nguyễn Lan Hương- 8B)
        Một mùa đông giá lạnh với những con gió heo may vi vu, những cơn mưa phùn lất phất đã vội vàng lướt ngang qua, chúng ta lại bắt đầu được chào đón một mùa xuân mới. Xuân sang với ngập tràn ánh nắng ấm  làm cho đất trời ngoài kia cũng được thay áo mới trở nên trong biếc hơn. Mùa xuân đến còn gắn liền với tết cổ truyền của dân tộc, một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của con người Việt Nam từ xưa tới nay.
        Đã từ bao đời nay, tết cổ truyền chính là thời điểm mà những người con đất Việt dù đang ở đâu hay làm gì đều luôn hướng về cội nguồn của mình, họ trở về được đoàn tụ bên gia đình, được sum vầy thưởng thức mâm cơm mang hương vị đặc trưng, quen thuộc của quê nhà, đó có lẽ chính là niềm vui sướng và hạnh phúc nhất của mọi con người ở phương xa.
        Với người dân quê em, ngày tết không thể thiếu bánh chưng xanh. Thích nhất là chiều 29,30 tết được quây quần, xúm xít bên ông để xem ông gói bánh chưng. Đêm đến, cả nhà ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng chín, được sưởi ấm bên ánh lửa hồng trong cái lạnh của những cơn mưa phùn đầu xuân, cái cảm giác đó thật hạnh phúc và ấm áp làm sao!
        Tết mang đến cho ta thật nhiều cảm xúc và niềm hân hoan nhưng có lẽ đêm giao thừa chính là thời điểm đã để lại trong em biết bao cảm xúc. Khoảnh khắc giao thừa chính là thời khắc chuyển giao từ một năm cũ sang một năm mới, thời khắc ấy, mọi người  sum vầy bên nhau, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất khi bước sang một năm mới, cùng nhau nâng những chén rượu đầu xuân năm mới.        
        Đặc biệt, mùa xuân năm nay thị xã Kỳ Anh quê em có nhiều đổi mới và đẹp hơn bao giờ hết. Ở các tuyến đường lớn nhỏ trong các khu phố được trang trí thật lộng lẫy làm cho lòng người càng thêm háo hức. Với những ánh đèn màu lung linh trên khắp phố phường đã tô điểm cho bức tranh quê hương thêm phần rực rỡ. Không những thế, đến cả những con đường dẫn xuống từng thôn xóm nông thôn mới cũng đẹp biết bao: đường sá sạch sẽ, hai bên đường là những luống hoa được trồng và chăm sóc cẩn thận; nhà của khang trang, từng mái ngói bừng lên trong nắng sớm.
        Một không khí tràn ngập sắc xuân đã về trên quê hương em mang theo bao ước vọng cho một ngày mai tươi sáng, đẹp giàu./.

 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây