Trường THCS Sông Trí tổ chức chuyên đề “Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học ở lớp 9”

Thứ hai - 09/09/2024 20:52    Đã xem: 323
Chuyên đề lần này được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 09/09/2024. Chiều ngày 09/9, các nhóm chuyên môn đã tổ chức dự giờ tiết dạy minh họa để rút kinh nghiệm. Tham dự có thầy giáo Ngô Đình Dũng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, Ban giám hiệu cùng toàn thể giáo viên nhà trường.
        Thực hiện Công văn số 518/PGDĐT ngày 30/07/2024 của Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh về việc tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 9 năm học 2024 - 2025, Trường THCS Sông Trí đã xây dựng kế hoạch triển khai các chuyên về bồi dưỡng giáo viên dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chuyên đề tháng 9 được triển khai ở tất cả các bộ môn của khối 9 từ ngày 30/8 đến ngày 09/09/2024. Thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; sinh hoạt chuyên môn để xây dựng bài học minh hoạ, tổ chức dạy học và dự giờ để phân tích, rút kinh nghiệm giờ dạy dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh, bao gồm: (1) Mô tả hành động (đọc, nghe, viết, nói, làm) của học sinh trong hoạt động học (làm minh chứng để tiến hành bước 2 và bước 3); (2) Đánh giá kết quả hoạt động của học sinh (những gì học sinh đã học được, chưa học được); (3) Phân tích nguyên nhân những gì học sinh đã học được, chưa học được; (4) Đưa ra biện pháp khắc phục hạn chế, hoàn thiện kế hoạch dạy học.
        Trên cơ sở sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học lần này, các tổ/nhóm chuyên môn định hướng chung về xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh phù hợp thực tế của nhà trường. Thời gian tới, hàng tháng sẽ sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học. Việc dự giờ, thăm lớp của giáo viên được thực hiện theo kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận tại chuyên đề:
Thầy giáo Ngô Đình Dũng - Phó Trưởng phòng giáo dục thị xã Kỳ Anh cùng các thầy cô giáo nghiên cứu hoạt động học của học sinh trong tiết học KHTN tại lớp 9B do thầy giáo Hoàng Mạnh Hà tổ chức
 
Tiết học KHTN tại lớp 9B học sinh rất say sưa lắp ghép các mô hình phân tử
Học sinh lớp 9A vào vai ‘MC truyền hình” trong tiết Lịch sử và Địa lí của cô Đặng Thị Thanh
Học sinh lớp 9A vào vai “MC, nhà kinh tế, văn hóa trong một buổi tọa đàm trên sóng truyền hình” ở tiết Lịch sử và Địa lí 
 
Giáo viên nghiên cứu, trao đổi về hoạt động học tập của học sinh tại tiết Ngữ văn lớp 9E do cô giáo Trương Thị Kim đại diện nhóm Ngữ văn 9 tổ chức
 
Giáo viên nhóm Toán theo dõi từng hoạt động học của học sinh tại tiết Toán lớp 9B do thầy Võ Văn Tuấn đại diện nhóm Toán 9 tổ chức. 
Cô giáo Đàm Thị Hoa đại diện nhóm Tiếng Anh 9 tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh tại lớp 9A
Lớp 9C trong tiết học Công nghệ cùng thầy giáo Phạm Công Thành
CÁC BƯỚC SINH HOẠT CHUYÊN MÔN NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
Bước 1. Xây dựng bài học minh họa
- Tổ chuyên môn thảo luận, thống nhất lựa chọn bài học minh họa căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc lựa chọn giáo viên dạy học minh họa cần đảm bảo các giáo viên trong tổ chuyên môn đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng ký dạy học minh họa.
- Giáo viên dạy học minh họa nghiên cứu chương trình môn học, kế hoạch dạy học môn học, sách giáo khoa và tài liệu dạy học liên quan, phối hợp với các giáo viên khác trong tổ chuyên môn để xây dựng bài học minh họa. Việc xây dựng bài học minh họa cần đảm bảo xác định rõ yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh,... cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Lưu ý, không tổ chức dạy trước bài học minh họa.
Bước 2. Tổ chức dạy học minh họa và dự giờ
Trên cơ sở bài học minh họa đã được xây dựng, giáo viên thực hiện dạy học để tổ chuyên môn dự giờ, phân tích bài học. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên theo các yêu cầu sau:
- Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
- Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị "bỏ quên".
- Trình bày kết quả và thảo luận: hình thức trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung học tập và kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.
- Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến trao đổi, thảo luận của học sinh nhằm giúp học sinh có hứng thú, niềm tin trong học tập, cải thiện được kết quả học tập; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.
Trong quá trình tổ chức dạy học và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học sinh để sử dụng khi phân tích bài học, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.
Bước 3. Phân tích bài học
Toàn trường hoặc tổ chuyên môn tổ chức trao đổi, chia sẻ, tập trung vào các nội dung:
+ Hoạt động học của học sinh: khả năng tiếp nhận và mức độ “sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp; sự tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; sự tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả, sản phẩm học tập; sự chính xác, phù hợp của kết quả, sản phẩm học tập; thái độ và cảm xúc của học sinh trong từng hoạt động.
+ Tổ chức hoạt động học cho học sinh: cách thức chuyển giao nhiệm vụ học tập; cách quan sát, theo dõi, phát hiện những khó khăn của học sinh; biện pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tự học, hợp tác; việc phân tích, nhận xét kết quả hoạt động, quá trình học tập của học sinh.
+ Một số nguyên nhân tác động đến hoạt động học của học sinh: kế hoạch bài học (yêu cầu cần đạt, đồ dùng dạy học, các hoạt động học,...); sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; tâm lý, sinh lý học sinh; không khí lớp học,...
Bước 4. Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày
Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày.

 
 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây