Đây là hoạt động chuyên môn rất thiết thực nhằm đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn và Lịch sử theo hướng chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đồng thời tạo không gian mở, giúp học sinh tìm hiểu về những di sản văn hóa, lịch sử của địa phương.
Chuyến trải nghệm bao gổm: thắp hương tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Thị xã Kỳ Anh, tìm hiểu về Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Lê Quảng Chí- Lê Quảng Ý, tham quan Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Hoành Sơn Quan- Đèo Ngang và giao lưu, chúc mừng các chiến sĩ đồn Biên phòng Đèo Ngang nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam.
Qua hoạt động này, giáo viên và học sinh được đến với những địa chỉ đỏ, những di sản có ý nghĩa văn hóa, lịch sử của quê hương mình, để từ đó, giúp các em có thêm những kiến thức hiểu biết về truyền thống, lịch sử, văn hóa quê hương, thêm yêu quý, tự hào và có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó, biết tri ân quá khứ để hướng tới tương lai, và hơn thế, từ thực tế trải nghiệm, các em có thêm những kiến thức hết sức bổ ích để làm tốt bài văn Thuyết minh trong chương trình THCS: Thuyết minh về Di tích lịch sử hoặc Danh lam thắng cảnh của địa phương, về một Danh nhân Hà Tĩnh…
Chuyên đề trải nghiệm đã thành công tốt đẹp, để lại những ấn tượng và cảm xúc khó quên, những bài học sâu sắc cho cả giáo viên và các em học sinh. Tiếp nối thành công chuyên đề này, các trường sẽ tạo thêm những hoạt động bổ ích và thiết thực hơn nữa, gắn dạy học với thực tiễn, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, chủ động đón đầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong thời gian tới.
Dưới đây là những hình ảnh về chuyến trải nghiệm:
1. Thắp hương tại tri ân các Anh hùng,Liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Thị xã Kỳ Anh
(Nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ được xây dựng tại đồi Cụp Bắp, thuộc phường Kỳ Trinh với diện tích 14.800m2, gồm nhà bia 1 tầng, 5 gian, diện tích 262m2 được khánh thành ngày 18/7/2019)
2. Tìm hiểu về Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Lê Quảng Chí- Lê Quảng Ý
(Bộ Văn hoá đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với Đền thờ và phần mộ Lê Quảng Chí- Lê Quảng Ý vào năm 1996, đền ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh)
3. Tham quan Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Hoành Sơn Quan- Đèo Ngang
4. Giao lưu, chúc mừng các chiến sĩ đồn Biên phòng Đèo Ngang nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam.
Các Thầy/Cô là chuyên viên Phòng GD, đại diện BGH, toàn thể GV dạy Ngữ, Lịch sử các trường THCS Sông Trí, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Trinh, TH&THCS Kỳ Hoa chụp ảnh lưu niệm cùng các Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đèo Ngang
GIỚI THIỆU VỀ DANH LAM THẮNG CẢNH ĐÈO NGANG
Kính thưa quý thầy cô giáo. Thưa các em học sinh thân mến.
Nơi chúng ta đang đứng đây là Cổng trời- Hoành Sơn Quan, nơi ngày xưa bà Huyện Thanh Quan đã dừng chân đứng lại trong nỗi niềm hoài niệm, nhớ nước thương nhà. Hôm nay đây, Đèo Ngang đang từng ngày đổi mới, trở thành một danh thắng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng đặc sắc của quê hương Kỳ Anh chúng ta. Tôi xin được giới thiệu một vài nét về vị trí địa lí, lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp của danh thắng Đèo Ngang.
1. Vị trí địa lí:
Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Nam 121,3 km là đến Đèo Con, đi tiếp 3 km nữa là tới Đèo Ngang.Đèo nằm ở ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình là một danh thắng nổi tiếng từ xưa. Đèo cao 256m, dài 6 km ở dãy núi Hoành Sơn, ngang vĩ tuyến 18o Bắc, trên quốc lộ 1A. Chân đèo phía Bắc thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh,(nay là thị xã Kỳ Anh), tỉnh Hà Tĩnh. Chân đèo phía Nam thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vị trí của đèo kéo dài từ tây sang đông, chạy dài ra tận biển và là biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành xưa kia, nay là địa mốc của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình:
Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823m, nhưng chiều cao trung bình chỉ khoảng 400m và ở Đèo Ngang 256m. Hoành Sơn là biên giới tự nhiên Việt - Chiêm xưa, nay là địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời đó cũng là ranh giới khí hậu: Hà Tĩnh thuộc khí hậu bắc, mùa đông có gió mùa đông bắc mạnh còn mùa hè thì gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3000mm/năm và bão cũng rất nhiều. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách hơn 10km đã mang rõ đặc điểm của khí hậu nam: gió đông bắc rất yếu. Bởi vậy con người Kỳ Nam sống dưới chân Đèo Ngang luôn phải oằn mình hứng chịu cái khắc nghiệt của thời tiết, nhưng vẫn cần cù trong lao động sản xuất để tồn tại và phát triển.
2. Lịch sử:
Theo Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam thì đường qua dãy Hoành Sơn được Ngô Tử An khai phá từ tháng 8 năm Nhâm Thìn (992), vua Lê Đại Hành sai Phụ quốc Ngô Tử An đem ba vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Lý (Quảng Bình bây giờ) và đã có quá trình hình thành từ hơn 1000 năm. Đó là đường quan lộ đầu tiên vượt Đèo Ngang. “Thành đá Lâm Ấp xây. Đường bộ Tử An mở”. Vua Lâm Ấp cũng đã xây dựng tại đây lũy Lâm Ấp vào thế kỉ XVII. Người Lâm Ấp lập đồn đắp lũy dọc theo đỉnh núi dài tới 30km từ Xuân Sơn (Kỳ Lạc) qua Thần Đầu đến Ngưu Sơn (Kỳ Nam bây giờ). Theo các sách xưa thì “lũy cổ Lâm Ấp” có thể do chúa Chiêm là Phạm Văn, xây dựng vào khoảng những năm 345-357. Về sau, người Chàm, người Việt đều sửa chữa lại, đến nay vẫn còn nhiều đoạn thành đá cao. Từ xa xưa, quân Chiêm Thành và quân Đại Việt đã đụng độ và tranh chấp khu vực hiểm yếu này Thế nhưng, địa danh này bắt đầu được biết đến nhiều thì phải đến tận thời kì xảy ra việc chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong. Quân Trịnh đã xây dựng tại đây một hệ thống đồn lũy, gọi là lũy Đèo Ngang hay lũy ông Ninh (chỉ Ninh Quốc công Trịnh Toàn). Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thì đèo là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt.
Sau khi vua Quang Trung thống nhất đất nước, chấm dứt tình trạng Trịnh - Nguyễn phân tranh thì Đèo Ngang trở thành cửa ngõ ra Bắc vào Nam. Thế nhưng, khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh năm 1789 (Kỷ Dậu), nhà vua đã quyết định không qua cổng của những thành lũy dựng từ trước mà trổ một con đường khác, với ý nghĩ muốn đất nước liền một dải, không có sự phân chia.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng Hoành Sơn Quan ở đỉnh Đèo Ngang và cho khắc hình vào Cửu Đỉnh (Huyền Đỉnh). Hoành Sơn Quan cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30m, trên cửa thành đắp nổi ba chữ "Hoành Sơn Quan". Hai phía Bắc - Nam của Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc tam cấp. Hiện nay, Hoành Sơn Quan vẫn còn, tuy không nguyên vẹn. Trên đỉnh Đèo Ngang hiện còn “Cổng Trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn nhưng vẫn sừng sững, uy nghi, phong trần nơi đầu núi hướng ra biển, là chứng tích của một thời kì lịch sử. Đường thiên lý đi qua dưới cổng, hai phía ghép đá, nay đã bị cây cỏ, đất đá phủ lấp.
Hoành Sơn Quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Đèo Ngang có khe Đá Bàn (Bàn Thạch) chảy về sườn núi phía nam vào
đất Quảng Bình.Còn khe Đá Hạt (Hạt Thạch) thì đổ xuống sông Trí, chảy ra cửa khẩu.
Năm Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá Bắc tuần, có bài thơ khắc trên đá ca ngợi đỉnh Hoành Sơn Quan; có câu (dịch):
“Gìn nam giữ bắc chia nghiêm cửa
Suốt cổ về kim chốt chặt đàng”.
Ngót một thế kỷ thời cận hiện đại từ lúc thực dân Pháp xâm lược đất Hà Tĩnh (1885) cho đến hết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975), vùng Đèo Ngang luôn luôn là “điểm nóng”, là phòng tuyến, là chiến địa của nhân dân ta. Thời chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) đèo là nơi oanh kích dữ dội của không quân và hải quân Mỹ. Trong những năm 1967-1969, cổng Hoành Sơn là nơi chứa đạn pháo cao xạ. Mùa hè năm 1969, bom Mỹ đánh trúng đơn vị pháo, 8 chiến sĩ anh dũng hysinh ngay tại đỉnh đèo. Nay, đèo Ngang là điểm nối thông Nam Bắc trên tuyến quốc lộ 1A.
3. Cảnh sắc thiên nhiên Đèo Ngang:
Quả thật thiên nhiên ở đây là một kiệt tác của tạo hóa: Non nước Hoành Sơn cảnh trí tuyệt vời, hùng vĩ và thơ mộng. Lịch sử cũng để lại dấu ấn đậm nét trên mặt đất và trong ký ức con người Kỳ Anh .Từ bên “phế lũy Lâm Ấp” một nghìn sáu trăm năm tuổi trên đỉnh núi nhìn xuống đám “xóm chài mái lá”, “ruộng lạc triều dâng” lúc vua Lê Thánh Tông qua đây vào thế kỷ XV.
Ngày nay ta thấy những làng xóm đông vui, đồng lúa, đồng tôm hứa hẹn và cả một thị tứ Mũi Đao đang hình thành.
Men theo những bậc đá rêu phong lên “Hoành Sơn Quan”, bỏ lại phía sau con đường nhựa vấn quanh núi, cùng con đường hầm hiện đại xuyên sơn 495m , ta đang ngược dòng thời gian, bước trên con đường bộ của ông Ngô Tử An mở vào thế kỷ thứ X… Còn hai ngôi miếu thờ bà chúa Liễu ở hai phía chân đèo lại nhắc đến huyền thoại về vị Thánh Mẫu bất tử, lần đầu tiên giáng trần đã mở một quán hàng bên đường để thử thách nhân tâm, trừng trị kẻ bất lương, giúp đỡ người trung thực… Ngoài ra, khu vực Đèo Ngang còn có các bãi tắm như Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với những rừng dương xanh, bãi cát vàng. Các đảo ở ngoài khơi như đảo Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến ... là những thắng cảnh thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đảo Hòn La, Đèo Ngang đã hợp thành một quần thể thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Một bên là núi đèo nhấp nhô, một bên là những bãi biển sạch đẹp trải dài thoai thoải. Nơi đây đã được quy hoạch thành khu du lịch Đèo Ngang .Hòn La nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Dưới chân đèo phía Bắc xưa kia là cửa biển Xích Mộ. Nay cửa biển đã bị bồi lấp. Ngược lên phía Tây, dưới chân đèo là một hồ nước trong xanh khá rộng. Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3km là Đèo Con. Tuy thấp hơn đèo Ngang nhưng vị trí nơi đây thật đẹp vì nằm sát ngay bãi biển Đá Nhảy với một bãi đá lớn từ núi ăn lan ra biển, nhấp nhô với nhiều hình dạng khác nhau. Gần bãi tắm Đèo Con là đền thờ bà Bích Châu (hay còn gọi là đền thờ Bà Hải) gần núi Cao Vọng, cùng với núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, vũng Áng đã tạo thành một quần thể du lịch Bắc Đèo Ngang. Với vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa ban tăng cùng với những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử, Đèo Ngang là thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung và giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các miền khí hậu của Việt Nam.
4. Đèo Ngang là nguồn cảm hứng của thi ca xưa và nay:
“Trèo đèo hai mái chân vân
Lòng về Hà Tĩnh dạ ái ân Quảng Bình”
Đèo Ngang là con đèo lịch sử, cùng với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây từ xa xưa đã là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc, họa. Nơi đây từ thời hoàng đế Lê Thánh Tông, trên đường chinh phục Chiêm Thành( năm 1469) đã để lại những vần thơ đề vịnh:
C ỬA R OÒN
“ Tây Hoành Sơn thấy rõ Di Luân
Cát trải mênh mông tiếp biển gần
Sóng nước đá nhô xây trạm dịch
Gió sông sóng dựng lập đồn quan
Không chỉ là nguồn cảm hứng của các thi nhân mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lời ca tiếng hát của quần chúng cần lao.
Thơ Ngô Thì Nhậm nói về cuộc tranh giành đất đai giữa Đằng Ngoài và Đằng Trong chẳng qua chỉ là giấc mộng trần thế sẽ tiêu tan trong bài thơ LÊN ĐÈO NGANG NGẮM BIỂN ông viết:
“Bày đặt khen thay thợ hóa công,
Khéo đem hang cọp áp cung rồng.
Bóng cờ Trần đế dường bay đó,
Cõi đất Hoàn vương thảy biến không.
Chim đậu lùm xanh, xanh đã lão,
Ngạc đùa sóng bạc, bạc nên ông.
Việc đời bọt nổi, xưa nay thế,
Phân họp giành trong giấc hạc nồng”
(Bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm)
Vào khoảng đầu năm 1803, lúc Nguyễn Thiếp 80 tuổi, vua Gia Long đã triệu ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Trên đường về, khi qua đỉnh Đèo Ngang, ông đã cảm khái đọc bài thơ Nôm sau:
“ Đã trót lên đèo, phải xuống đèo
Tay không mình tưởng đã cheo leo
Thương thay thiên hạ người gồng gánh
Tháng lọn ngày thâu chỉ những trèo!”
(Bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm)
Còn có nhiều tao nhân mặc khách danh tiếng khác nữa, nhưng có lẽ bài thơ được nhiều người yêu thích vẫn là bài” Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan- một nữ thi sĩ tài danh hiếm có giai đoạn thế kỉ XIX. Bài thơ làm theo thể thơ Đường luât thất ngôn bát cú viết bằng chữ nôm,với phong cách trang nhã, bài thơ cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút,thấp thoáng có sự sống con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời bộc lộ nỗi niềm nhớ nước thương nhà, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả: (cho 1 hs đọc thơ)
Còn đó Đèo Ngang gánh hai đầu đất nước, niềm thương nhớ khắc khoải của những người con xa xứ và những người con đang sinh sống trên mảnh đất Kỳ Anh quê nhà .Tri ân những bậc tiền nhân,tiếp nối cảm hứng thơ ca ngọn nguồn văn học dân tộc , câu lạc bộ thơ Đường “Hoành Sơn” được thành lập gồm những tác giả đang làm việc và sinh sống tại Kỳ Anh .Tập thơ:“ Hoành Sơn - Một niềm thương” từ đó được ra đời. Là câu lạc bộ đã thành danh, với nhiều tác phẩm hiện diện trên thi đàn , nhiều hội viên đạt giải quốc gia. Sau những chuyến điền dã Hoành Sơn, đã thực sự đam mê xướng họa đến lạ lùng, có lẽ không giấu nổi cảm xúc về một vùng quê đang thay da đổi thịt. Bằng thể thơ Đường luật uyên thâm, sâu lắng những vần điệu tao nhã, từ ngữ tân tiến, hiện đại , đã khởi xướng ấn tượng :
“ Hoành sơn một dải đất bình yên
Quê mới thiên đường mới mọc lên”
(Tác giả Hương Quỳnh )
“ Gom trăng hòa điện xuân quê cảnh
Góp suối nâng hồ thủy mạc tranh”
( Tác giả Hoàng Thái Cát)
Những vần thơ xướng tươi nguyên nét quê, nhưng sinh động nồng nàn như nhịp sống hối hả, gây thi hứng đáp họa tạo nên bản hòa ca tuyệt đẹp. Những tứ thơ, những ngôn từ như hiển hiện bản ngã của con người Kỳ Anh được kết bằng hoa của đất, khí của trời, truyền thống ngàn xưa đã tạo thành sức sống bình sinh hôm nay:
“ Hào khí Hoành sơn bên nhất đái
Hồn thiêng Hải Khẩu độ long tuyền”
( Tác giả Trung Tuyến)
Cùng với Đường thi xướng họa “ Hoành sơn- Một niềm thương”. Thơ viết về Đèo Ngang của các nhà thơ hôm nay còn đa dạng sắc vị của các thể loại, của nhiều tác giả trên mọi miền Đất nước có dịp dừng chân trên nơi cảnh Đèo: Phan Thế Việt “ Ngắm trăng trên đỉnh Đèo Ngang”,Nguyễn Quốc Văn “Đèo Ngang”,Phan Đức Phú “ Chiều Đèo Ngang”,Chu Hồng Diệp “ Trăng Đèo Ngang”, Thăm Đèo Ngang “ Hoàng Thái Cát”...
“Mẹ ở bên chân Đèo Ngang
Sống bằng nghề hái củi
Chợ xuân nay bên lề đường gặp mẹ
Mưa dầm dề mẹ đi bán nhành mai”
( Tác giả Trung Tuyến)
Đặc biệt, Nhà thơ Trần Nam Phong - Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm chính trị Thị xã Kỳ Anh cũng đã có một thi phẩm tuyệt hay về Đèo Ngang:
Quân vương, thi sĩ, anh hùng
Ngư tiều, lữ khách, ai từng qua đây
Hồn xưa neo lại nơi này
Nỗi đêm xích mộ, nỗi ngày Hoành Sơn
Đa đa gáy giục cơn nguồn
Quốc kêu nhớ cuộc càn khôn chuyển dời
Cổng Trời, thành lũy là nơi
Quân, phu dễ mấy vạn người dựng nên
Chợ làng từ đó mọc lên
Gần quê quan trạng đề tên rõ ràng
Bia vua cùng với bảng vàng
Sơn long hội thủy hai đàng bắc nam
Biển trời non nước Đèo Ngang
Câu thơ bà Huyện mang mang nỗi niềm
Lời xưa, cụ Nguyễn Bỉm Khiêm
“Hoành Sơn nhất “… sấm truyền còn lưu
Nghĩa tình sóng nước Bích Châu
Dấu thiêng Liễu Hạnh cao sâu cõi người
Vũng Chùa- Bác Giáp nghỉ ngơi
Hòn La- Vũng Áng đất trời sang trang
Thời gian điệp ánh mai vàng
Yêu quê muốn viết tặng nàng khúc xuân
Giây phút này đây, dừng chân nơi Hoành Sơn Quan, giữa núi non bao la hùng vĩ, với không gian thoáng đãng, làm cho lòng ta dạt dào cảm xúc. Nơi đây thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho các du khách trên con đường thiên lý Bắc, Nam.
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Kỳ Anh yêu dấu, chúng ta có quyền tự hào về vẻ đẹp của quê hương mình: về những di sản văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương Kỳ Anh - Hà Tĩnh.Từ đó mỗi chúng ta cần có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa quý giá mà ông cha ta để lại.
Chắc chắn rằng, sau buổi ngoại khóa hôm nay các em sẽ có những nhận thức sâu sắc hơn và rút ra cho mình những bài học bổ ích.Các em hãy phát huy những năng khiếu của mình để có những bài văn thuyết minh hay, những dòng thơ đầy cảm xúc và những bức tranh đẹp... viết, vẽ về Đèo Ngang đó cũng là một cách tri ân đầy chất văn hóa .
BAN BIÊN TẬP