EM TÔI
(Nguyễn Đình Trường An, lớp 7G)
Nhà tôi có hai anh em, tôi là anh còn em trai kém tôi bốn tuổi. Bố mẹ rất chiều em trai tôi, và nhiều lần thiên vị em trai tôi mà trách mắng tôi. Cũng chính vì điều đó mà tôi đâm ra đố kị và hay tranh giành với em, đã có lần tôi đã gây ra một chuyện khiến tôi ân hận mãi.
Hàng ngày nếu hai anh em tôi cùng ở nhà thì kiểu gì cũng xảy ra chuyện cãi vã nhau. Nếu hai anh em tranh đồ gì thì mẹ sẽ bảo:
- Con là anh thì cần phải nhường cho em. Với lại em nó vẫn còn bé, tính nó trẻ con hay trêu chọc, con đừng chấp.
Mẹ nói thế càng làm tôi bực hơn, lúc đó tôi chỉ nghĩ được là mẹ quá thiên vị cho em, không thương tôi bằng em. Cho tới một hôm, có một chuyện xảy ra. Sáng sớm hôm ấy, tôi moi tiền ở con lợn đất ra năm mươi nghìn đồng, định bụng chiều sẽ khao lũ bạn vì tôi vừa được điểm cao trong kì thi học kì. Tôi cẩn thận cất tiền vào một chỗ rồi vội vã đi học bài. Đến trưa, trước khi đi nấu cơm, tôi kiểm lại tiền để chốc nữa qua chợ mua các thứ tới lớp, nhưng tiền tôi để ở trong bao kiểm tra đã không cánh mà bay. Tôi sửng sốt dốc cả bao kiểm tra ra, cẩn thận tìm lại một lần nữa, rồi tôi tìm khắp trong cặp vẫn chẵng thấy đâu. Rõ ràng tôi đã bỏ tiền trong cặp mà, hay là em tôi nó lấy. Đúng rồi, nhà chỉ có hai anh em mà nó thì học ở trên gác, nơi tôi để cặp, còn tôi học ở dưới nhà. Vậy không nó thì còn ai vào đây, với lại chẵng lẽ tiền nó có cánh mà bay ra khỏi cặp tôi à?
Nghĩ thế, tôi vội vã chạy lên, tức tối quát:
- Minh! Em lấy tiền của anh đúng không?
- Không…em …em…
- Mày nói dối. Gớm, ở lớp là lớp trưởng tỏ vẻ gương mẫu mà không ngờ về nhà mày lại thế. Xấu ơi là xấu. Tao tưởng bố mệ chiều mày vì mày ngoan, học giỏi. Ngoan mà đi lấy trộm tiền của người khác.
Tôi mắng như tát nước vào mặt nó, mắng nó với tất cả sự bực tức, ghen tị bấy lâu nay. Còn nó, nó chợt cúi xuống bàn khóc, mắt đỏ hoe. Mặc kệ, tôi vẫn nói, lòng tôi thầm nghĩ: “Nước mắt cá sấu ấy mà”.
- Tiền đâu, đưa đây cho tao!
Trưa hôm ấy, khi bố tôi về, tôi đã ấm ức kể hết với bố. Bố tôi nghe vậy giận lắm vì lâu nay bố vẫn nghiêm khắc với khuyết điểm của anh em tôi. Bố gọi nó xuống rồi hỏi nó,vẻ giận giữ:
-Trường Minh, sao con lấy tiền của anh?
- Con không lấy…không lấy mà bố - Nó lấm lét nhìn bố vẻ oan ức lắm.
- Không lấy thì ai vào đấy?
Đứng ở trong bếp tôi cũng thấy thương nó chút xíu nhưng vì sự ghen tức với nó bấy lâu nay nên tôi lại thấy rất hả hê. Vừa lúc ấy mẹ tôi đi làm về, mẹ khẽ hỏi tôi:
- Có chuyện gì mà bố con có vẻ mặt không vui vậy?
- Dạ bởi em Minh lấy tiền của con, bố giận nên đánh cho em một trận
- Vậy à?
Thế rồi mẹ dựa xe ngoài sân để vào nhà. Mẹ bỗng gọi tôi:
- Trường An ơi, có phải tiền của con đây không? Tờ năm mươi nghìn mới cứng ngoài sân đây này.
Tôi giật mình và chợt nhớ lại: “Ừ nhỉ! Bây giờ mình mới nhớ ra, lúc đó mình kẹp tiền vào quyển vở rồi ra sân học bài đã đánh rơi, thế mà mình cứ đinh ninh ở trong bao kiểm tra”. Và tôi chợt nhớ lại mình đã nói với em thế nào, đã hả hê vô cùng khi em bị đánh. Một sự hối hận dâng lên trong tôi. Tôi vội vã chạy lên nhìn đứa em trai bé bỏng của tôi và nói lời xin lỗi. Em tôi đã không những không trách cứ gì tôi mà còn chạy lại ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm thấy ăn năn vô cùng.
Kể từ lần đó tôi đã thay đổi hẳn thái độ với em tôi. Hai anh em chúng tôi rất yêu thương nhau, chúng tôi lần nào cũng nô đùa với nhau một lúc rồi mỗi đứa ngồi vào bàn học riêng. Cũng từ lần đó mà tôi lại nhận ra em tôi tuy nhỏ nhưng lại có một tấm lòng cao thượng. Tôi lại càng xấu hổ và từ đó tôi đã thay đổi để làm một người anh gương mẫu, yêu thương em hơn để bố mẹ vui lòng.
***
THẦY CÔ GIÁO CỦA TÔI
(Ông Ngọc Minh, lớp 7A)
“Em yêu trường em
Với bao bạn thân
Và cô giáo hiền
Như yêu quê hương
Cắp sách đến trường
Trong muôn vàn yêu thương...”
Hồi Tiểu học, tôi thích hát bài hát ấy lắm, có lẽ là do giai điệu của nó dễ thuộc. Lớn lên tý, hiểu ra được ý nghĩa của bài hát, tôi lại càng thích hơn. Bởi lẽ Trường học là ngôi nhà thứ hai của tuổi thơ chúng ta, nơi đó có bạn bè đông trang lứa, lại có hình ảnh những người cô, người thầy thân thương đến lạ.
Từ khi mở mắt chào đón cuộc đời, tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng vô giá của cha, của mẹ. Năm tháng qua đi, những tình thương ấy nuôi nấng tôi nên người và lúc ấy, tôi tưởng rằng trong cuộc đời này chỉ có cha mẹ là những người dành cho mình tình yêu thương cao đẹp nhất. Nhưng không, từ khi hòa nhập với xã hội và nhất là từ khi chập chững bước vào môi trường học tập, tôi mới biết trong cuộc đời này, những người đồng hành cùng tôi trong suốt một quãng đời không chỉ có cha mẹ, mà còn có những người thầy, người cô. Thầy cô đã dìu dắt tôi từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai. Có rất nhiều thứ có thể cân - đo - đong - đếm, nhưng những gì thầy cô mang đến cho chúng em. Mãi mãi, mãi mãi không thể làm phép tính.
Đã có ai đó nói rằng: "Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia". Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, "người đưa đò" phải cố gắng giữ làm sao cho đò được vững chắc. Mà có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. Phải, "người đưa đò" phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi những khi có "mưa to", "gió lớn".Rồi khi đã đưa được khách qua sông, "người đưa đò" lại quay về bến bên kia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa con thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày qua ngày họ chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng họ vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khát khao - uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người.
Thầy cô không chỉ hy sinh công sức và thời gian của mình mà còn dành trọn cả tình yêu thương và sự bao bọc cho những đứa trẻ non nớt vẫn còn bỡ ngỡ trước cái xã hội rộng lớn này. Những đứa trẻ ấy ngơ ngác nhìn ra cuộc đời với sự dẫn dắt và tình yêu thương của thầy, của cô. Vâng, thầy cô đã truyền cho tôi niềm tin và nghị lực để tôi có đủ sức mạnh và lòng tin, chạm lấy những ước mơ, khát vọng và biến chúng thành hiện thực. Thầy cô đã tận tụy, đã dồn tất cả công sức vào bài giảng, làm chúng thêm sinh động để dễ dàng ăn sâu vào tâm trí của từng học sinh.
Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, chúng tôi dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những buổi đứng lớp của các thầy các cô. Nhớ lắm tà áo dài thướt tha của cô, dáng đi nghiêm trang mà thân thiện của thầy. Nhớ lắm những bài học làm người, những tri thức khoa học mà mấy năm qua tôi được học nằm lòng.
Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào. Tình yêu thương ấy đã sưởi ấm tâm hồn của biết bao người học sinh trong suốt cả cuộc đời đi học. Khi một mai tôi không còn là một đứa trẻ, tôi rời khỏi sự ủ ấp của gia đình và nhà trường để tiếp tục bước đi và thử thách mình trên quãng đường còn lại, thì tôi sẽ không quên công ơn sâu nặng và tình cảm bao la của thầy cô dành cho tất cả học sinh của mình - những đứa con mà họ coi như máu thịt, như một phần của cuộc đời.
***
HOA ĐIỂM MƯỜI
(Diệu Linh, lớp 6D)
Vườn em hoa nở đỏ tươi
Vở em rạng rỡ điểm mười cô cho
Hai loài em kết bó to
Nhân ngày Nhà giáo cô trò vui chung.