Chùm bài viết văn thuyết minh của các em học sinh lớp 9

Thứ sáu - 06/12/2019 07:11    Đã xem: 3153
Văn thuyết minh là một kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, nó cung cấp tri thức hết sức khách quan, hữu ích cho con người. Trong chương trình Ngữ văn THCS, các em học sinh được làm quen với kiểu bài này từ năm lớp 8 và hoàn thiện các kỹ năng ở lớp 9. Ngoài việc giới thiệu đặc điểm, tính chất…của sự vật, hiện tượng giúp người đọc hiểu được đầy đủ, chính xác về đối tượng thuyết minh thì việc kết hợp thuyết minh với yếu tố tự sự và sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong bài giúp cho bài văn thuyết minh trở nên sinh động và hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. BBT xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết văn thuyết minh của các em học sinh lớp 9 trường THCS Sông Trí.
Thuyết minh về quyển Sách giáo khoa mà em yêu thích.
(Nguyễn Thị Thương- Lớp 9A)
       Phóng viên: Xin chào các bạn độc giả đã quay lại với số báo thứ 2 của báo Thiếu niên tiền phong. Như các bạn đã biết sách giáo khoa là một đồ dùng không thể thiếu đối với mỗi học sinh và giáo viên. Bởi đây là một người bạn mà thông qua người bạn đó giáo viên có thể truyền đạt kiến thức và giúp học sinh thu nhận những kiến thức bổ ích đó. Hôm nay chúng ta sẽ cùng gặp gỡ một người bạn với rất nhiều kiến thức về nhiều tác phẩm truyện và thơ đặc sắc, giúp các bạn học sinh có cái nhìn toàn vẹn hơn về nền văn học Việt Nam và nước ngoài. Đó là sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1 (SGK NV9) đang đứng cạnh bên mình đây. Chào mừng bạn đến với buổi phóng vấn. Mình rất vui vì bạn đã có thời gian để tham gia buổi phóng vấn này. Bây giờ bạn hãy giới thiệu một chút về mình để cho mọi người được biết đi nào.
       SGK NV9: Xin chào tất cả các bạn. Mình là sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 đây. Hôm nay mình cũng rất hạnh phúc vì được thay mặt cho rất nhiều người bạn khác đến tham gia buổi phỏng vấn này để chia sẻ đôi điều về bản thân mình cho các bạn được biết. Chắc hẳn đối với mỗi bạn học sinh đã và đang học lớp 9 thì cũng không xa lạ gì với mình nữa. Bởi lẽ chúng mình đã có một khoảng thời gian gắn bó với nhau không tính là dài nhưng cũng không hề ngắn một tí nào. Đó là cả học kì I hơn 4 tháng đấy.
       Phóng viên: Quả thật là như vậy. Mà theo mình được biết thì bạn là một người bạn rất thân thiết đối với các bạn học sinh lớp 9 đúng không?
       GK NV9: Đúng rồi đấy. Đối với những bạn học sinh lớp 9 thay vì gắn bó với môn Ngữ Văn 4 tiết mỗi tuần như khi còn học lớp 8 thì bây giờ đã là 5 tiết mỗi tuần. Đây cũng là môn học chiếm nhiều thời gian nhất vì nội dung của nó rất quan trọng và giúp ích cho các bạn học sinh rất nhiều sau nà. Cũng bởi vậy mà mình được gắn bó với các bạn học sinh thân thiết hơn.
       Phóng viên: Nói sơ lược như vậy chắc mọi người cũng đã biết bạn là ai rồi đấy. Bây giờ bạn hãy giới thiệu kĩ về mình hơn một ít đi. Mình thấy bạn có một vẻ bề ngoài khá là bắt mắt và hơi khác so với Sách giáo khoa Ngữ văn 8 mà mình đã gặp trước đây, bạn có thể nói thêm để mọi người được biết rõ hơn không
       SGK NV9: Tất nhiên là được rồi. Như các bạn đã thấy đấy, mình được làm ra với bộ áo ngoài có phía trước là màu hồng, phía sau là màu trắng với khuôn khổ 18*30 cm. Ở mặt trước với dòng chữ lớn “ Ngữ văn 9” có màu đỏ và sát ngay phía dưới là chữ “tập một”. Ở phía trên cùng là chữ “Bộ giáo dục và đào tạo” còn ở phía dưới cùng thì in tên “Nhà xuất bản và giáo duc Việt Nam” đều được in màu đen nhằm giới thiệu đến các bạn đọc nơi xuất xứ của mình. Đặc biệt nổi bật lên là hoa văn hình cây gấc với màu cam tạo nét riêng trên bộ áo ngoài của mình. Còn mặt bìa sau thì có in thêm tên của một số loại sách dùng trong năm học lớp 9. Có lẽ điểm khác của mình với sách giáo khoa ngữ văn 8 đó là về độ dày. Bởi có nội dung chương trình nặng hơn nên mình dày tới tận 240 trang. Mỗi trang sách đều được làm bằng loại giấy tốt có màu hơi xám, nội dung chữ lại có màu đen nhằm tạo sự đối lập giúp các bạn dễ đọc dễ hiểu. Hằng năm, tụi mình đều được tái bản nhằm mục đích điều chỉnh nội dung cho phù hợp. Tuy nhiên về cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi so với ban đầu.
        Phóng viên: Còn về phần nội dung thì sao?
       SGK NV9: Về mặt nội dung thì mình được chia chủ yếu ra làm ba phần bao gồm phần văn bản, phần Tiếng Việt và phần tập làm văn. Nội dung các phần được xếp xen kẽ nhau theo từng tuần một. Tất cả các nội dung ấy được xếp vào 17 tuần khác nhau tương đương với thời gian của học kì I. Đầu tiên là phần văn bản, trong phần này các bài học được biên soạn theo từng thể loại. Trước hết là phần văn bản nhật dụng với ba văn bản: “Phong cách Hồ Chí Minh”, “Đấu tranh cho một Thế giới hòa bình”, “Tuyên bố Thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” với những nội dung đề cập đến những vấn đề bức thiết trong xã hội đang được quan tâm rất nhiều. Từ đó đưa đến cho những bạn học sinh các bài học để tu dưỡng bản thân và có cách nhìn đúng đắn. Tiếp đến là phần truyện và thơ Trung đại với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó có “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ với những nét nghệ thuật độc đáo. Hay không thể không nhắc đến đó là tác phẩm “Truyện Kiều”-một kiệt tác của nhà thi hào dân tộc Nguyễn Du trong phần thơ Trung đại. Từ đó cho các bạn học sinh thấy được sự tài hoa trong văn học của tác giả hay là những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vạch trần bộ mặt àn ác, bất công của xã hội đương thời đặc biệt là đối với người phụ nữ, thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước những số phận bất hạnh ấy. Cùng với đó là rất nhiều tác phẩm đặc sắc khác nữa. Tiếp đến là phần Tiếng Việt với những kiến thức bổ ích giúp các bạn học sinh sử dụng và biết nhận lỗi sai trong giao tiếp về cả mặt ngữ pháp lẫn cách thức. Hay các phương châm hội thoại để tránh cách nói thiếu lịch sự, thiếu tế nhị và đúng với ngữ pháp. Sau mỗi bài học thì đều có các bài tập vận dụng giúp các bạn ôn luyện, nắm vững kiến thức hơn. Sau phần Tiếng Việt là phần tập làm văn với các bài học về cách vận dụng các biện pháp nghệ thuật vào văn thuyết minh, văn tự sự hay là cách làm một bài văn nghị luận làm sao cho lôi cuốn hấp dẫn người đọc và đúng trọng tâm. Từ đó các bạn học sinh có thể làm cho bài văn của mình sinh động hơn. À, ngoài ra còn có các phần ôn luyện lại kiến thức cho các bạn học sinh nữa đấy. Tất cả các nội dung đều được Tổng chủ biên Nguyễn Khắc Phi sắp xếp một cách logic, hợp lí nhất để dễ học, dễ hiểu. Đó cũng là lí do mà mình trở thành một tài liệu tham khảo không thể thiếu trong mỗi giờ học. Bên cạnh sự giảng dạy nhiệt tình của thầy, cô giáo các bạn học sinh sẽ cùng mình để học tập một cách có hiệu quả nhất.
        Phóng viên: Sau khi nghe bạn giới thiệu quả thật mình rất tò mò và rất muốn được một lần xem qua đấy. Thôi buổi phỏng vấn cũng đã sắp hết thời gian rồi. Bạn có điều gì muốn gửi gắm đến các bạn học sinh không?
       SGK NV9: Các bạn ạ, như các bạn đã biết đấy, dù tụi mình có tốt thế nào đi nữa nhưng muốn được lâu dài thì phần lớn là phải nhờ vào cách sử dụng và bảo quản của các bạn. Mình rất may mắn khi được cô chủ của mình chăm sóc tốt, khi mới mua về đã bọc bằng giấy bóng để bảo quản và sử dụng hợp lí. Tuy nhiên khi nhìn thấy một số người bạn của mình lại không dược may mắn như vậy, chỉ mới học được vài tuần thôi nhưng vì sự thiếu ý thức của một số bạn học sinh đã viết vẽ bậy vào sách và không bảo quản đúng nên những người bạn ấy của mình đã trở nên rách nát. Qua đó mình muốn gửi lời đến các bạn học sinh rằng hãy cố gắng bảo quản thật tốt người bạn đồng hành với các bạn trong suốt học kì I này và giữ gìn thật tốt cho các em sau này nữa. Chúc các bạn sẽ đồng hành cùng mình và đạt được kết quả tốt nhất trong năm học này. Năm nay sẽ là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời các bạn trước khi rời ngồi trường cấp hai. Và những kiến thức ấy sẽ là hành trang tốt nhất cho các bạn sau này. Xin chào các bạn vào hẹn gặp lại!
       Phóng viên: Cảm ơn sách giáo khoa Ngữ văn rất nhiều! Tạm biệt bạn và tạm biệt mọi người. Hẹn gặp lại các bạn trong những số tuần sau. Tạm biệt!
 
Giới thiệu về cây tre ở làng quê Việt Nam.
(Lê Đào Thảo Đan - Lớp 9B)
          Trong cuộc sống của người dân Việt, chúng tôi là người bạn, là loài cây gần gũi, gắn bó thân thiết. Chúng tôi là cây tre Việt Nam.
“Tre xanh xanh từ bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
        Đã lắm lần tôi hỏi các cụ tre đứng tuổi nhưng cho đến nay không một ai biết tổ tiên đầu tiên của chúng tôi có từ khi nào, chỉ biết từ xa xưa - thời Thánh Gióng chống giặc Ân xâm lược chúng tôi đã có mặt. Ngoài là anh em họ của trúc, chúng tôi còn là họ hàng xa của mây, nứa, vầu… Với bản tính siêng năng, cần cù, tre chúng tôi có ở khắp mọi nơi ngay cả những vùng đất cằn sỏi đá. Nhưng hiện nay do sự phát triển hiện đại của nền kinh tế mà họ tre chúng tôi lại lui về bầu bạn với những xóm làng mộc mạc, đơn sơ.
        Từ hàng nghìn năm nay, tre tôi luôn là loài cây có thứ hạng cao trong các cuộc thi nhan sắc. Không bởi gì khác ngoài cái dáng người cao ráo, mảnh mai ít loài cây nào có được. Thân chúng tôi rộng khoảng 5-10 cm, nhưng lại vô cùng dài, rỗng, từ gốc đến ngọn chắc cũng khoảng từ 10-12m được chia thành nhiều đốt. Khi còn nhỏ chúng tôi được gọi bằng cái tên mĩ miều: Măng. Đó là những mầm non mọc dưới chân mẹ tre như những chú lính tí hon “chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”. Đến tuổi trưởng thành với màu áo xanh truyền thống, lá dài, nhỏ, mỏng luôn xòe ra như bàn tay em bé chúng tôi trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người trong đó có cô gió. Cô thường trêu ghẹo chúng tôi và mỗi lần như thế các đốt tre, cành tre lại đung đưa trông mới duyên dáng, yểu điệu làm sao.
        Họ nhà tre chúng tôi luôn tự hào bởi sức sống bền bỉ dẻo dai của mình. Chúng tôi không kén đất, rễ thuộc loại rễ chùm bám sâu vào lòng đất nên bất cứ nơi đâu chúng tôi cũng có thể sinh tồn được và có một điều đặt biệt từ thời cụ cố tổ tiên chúng tôi cho đến nay chưa bao giờ chúng tôi sống một mình. Đi đến đâu trên khắp đất nước Việt Nam này nếu bạn nhìn thấy chúng tôi thì đó không phải là một cây tre đơn lẻ mà là cả khóm tre, bụi tre co cụm lại với nhau. Lối sống đó không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng mà còn giúp chúng tôi luôn hiên ngang kiên cường trước mọi phong ba bão táp. Phải chăng chính vì điều đó mà từ lâu chúng tôi được xem là loài cây biểu tượng cho những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
        Không chỉ thân thuộc, gần gũi mà tre còn là loài cây có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống lao động, đời sống tinh thần và cả trong chiến đấu của người dân.
        Dưới bóng tre xanh đã từ lâu đời người dân dựng nhà, dựng cửa, vở ruộng, khai hoang. Hầu hết mọi vật dụng sinh hoạt, sản xuất đều được làm từ tre. Từ đôi đũa, cái rá, cái rổ, cán cuốc, cán cào… đến các đồ thủ công mĩ nghệ. Đặc biệt, cuộc đời của con người, nhất là những người sống ở nông thôn gắn bó chặt chẽ với chúng tôi. Từ thửa lọt lòng nằm trên chiếc nôi tre, tuổi thơ với những trò đánh chắt đánh chuyền, những chiều chăn trâu thổi sáo trên đồng. Tuổi già vui với chiếc điếu cày tre. Đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về với đất mẹ cũng trên chiếc chõng tre. Có thể nói suốt nhiều thế kỉ qua, họ tre chúng tôi là đại diện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa con người với thiên nhiên. Tre chúng tôi còn là vũ khí, là chiến sĩ, là nhân chứng cho lịch sử  chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta. Đó là những tre trong truyền thuyết “Thánh Gióng” là những gậy tre, chông tre giáo mác tre chống lại xe tăng, đại bác của quân thù trong  cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Cũng giống như người Việt Nam chúng tôi sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của đất nước. Khẳng định vai trò của chúng tôi có một nhà văn đã từng nói: “Tre anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đầu”. Lời khẳng định đó khiến cho họ hàng chúng tôi lấy làm hãnh diện lắm và mỗi lần có lớp măng mới ra đời chúng đều được các bậc bô lão thì thầm vào tai điều đó như là bài học vỡ lòng đầu tiên về truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
       Ngày nay cuộc sống của con người đã có xi măng cốt thép và những vật dụng hiện đại thay thế tre chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ mãi vẫn là người bạn của con người Việt Nam, là loài cây mang ý nghĩa to lớn không loài cây nào có thể thay thế được.
 

Tác giả bài viết: BBT

Nguồn tin: trường THCS Sông Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây