Chuyện ở Bản Vừa - Chu Hạnh Linh

Thứ năm - 13/06/2019 21:15    Đã xem: 2000
CLB Em yêu văn học trân trọng giới thiệu truyện ngắn: "Chuyện ở Bản Vừa" của bạn Chu Hạnh Linh
CHUYỆN Ở BẢN VỪA
(Chu Hạnh Linh)
 
   
       “Trường của em be bé
            Nằm lặng giữa rừng cây
 Cô giáo em tre trẻ

    Dạy em hát rất hay”
          Giọng hát bập bẹ của những trẻ em dân tộc, trong lớp học khang trang cứ chậm rãi ngân vang cả núi rừng. Tưởng chừng nếu có ai nấp sau những đám mây bồng bềnh kia cũng nghe rõ mồn một. Cây cối xung quanh đung đưa theo gió, phảng phất mùi hương thảo quả dìu dịu. Những chú chim đang khoe giọng hót cao vút, hoà vào khung cảnh êm đềm như mặt nước trong veo không chút gợn. Trong lớp học kia, cô giáo trẻ đang dạy từng câu hát một cho các em nhỏ. Hình ảnh khác với một năm trước đây…
          …Sáng sáng, người dân trong bản Vừa cứ thấy một cô gái trẻ, tầm hai mươi, vóc dáng nhỏ bé, trên tay xách cặp đến từng ngôi nhà ở bản. Vẻ mặt cô bao giờ cũng vui cười, mặc cho khoảng cách giữa các ngôi nhà rất xa nhưng chân cô vẫn thoăn thoắt. Cô ấy tên Thương, là một giáo viên tiểu học. Cô đến xin bố mẹ của bọn nhỏ cho chúng được đi học. Những người bố, mẹ dân tộc với khuôn mặt khắc khổ, khi nghe con phải rời xa mình thì lắc đầu từ chối lia lịa. Nhưng nghe cô bảo cái chữ sẽ giúp họ thoát được đói nghèo thì vui lắm, đồng ý cho con đi học trường bản. Nói là trường nhưng chỉ là hai, ba bức nhà trang lụp xụp, cũ kĩ, khiêm tốn nép mình dưới hàng cọ xanh rờn. Chắc ngôi nhà này cũng được dựng trên hai mươi năm rồi. Gọi là bảng đen nhưng chỉ là bảng cỗ bạc phếch, trắng đen nhoè nhoẹt, trộn lẫn. Bàn ghế thủng lỗ chỗ, cái nào cũng phải có cục đá kê dưới chân. Gỗ thì mục nát, tường đất sét trộn rơm nứt như muốn vỡ ra.
          Thế mà sáng đó cũng có khoảng chín, mười đứa trẻ tầm bảy, tám tuổi, tập trung trước “trường”. Đi chân đất, mặt mũi lem luốc, trên tay không có lấy một quyển vở, chỉ thấy toàn châu chấu bằng lá dừa. Cô Thương đến, Cô tươi cười vẻ thân thiện, nhìn bọn trẻ. Một số đứa nấp sau lưng bạn, ngước đôi mắt trong veo vẻ sợ sệt nhìn cô. Cô an ủi: “Không sao đâu các em. Cô giới thiệu, cô tên Thương. Từ nay cô sẽ dạy các em học chữ. Các em thích chứ?” Bọn nhóc nhảy tưng tưng, những “búp măng” vỗ vào nhau đen đét, nghe mà vui tai. Chỉ có bé Pao là mặt cứ thờ ơ, nhìn cô giáo với ánh mắt khó hiểu, tay vân vê mép áo mỏng. Cô Thương liền chạy lại hỏi: “Sao vậy em? Em không thích học chữ à?” Pao cộc lốc: “Không thích! Ở nhà chơi thích hơn!”. Cô sững sờ.
          Cái Xim ghé vào tai cô: “Nhà nó nghèo lắm cô ơi! Bố nó suốt ngày uống rượu, đi đánh bạc rồi đánh nó tơi bời mỗi lần say. Nó toàn chạy ra sau nhà, khóc. Mẹ nó không can được”. Cô im lặng. Cô chợt nhận ra cô cần phải làm điều gì đó cho Pao, cho sự thiếu hụt tình thương của em…
          Cô Thương phát cho mỗi đứa một quyển vở ô li và một cái bút chì khi bọn trẻ ngồi vào chỗ ngay ngắn. Ai mà biết những đồ vật ấy là cả một tháng chắt chiu tiền sinh hoạt của cô. Buổi học đầu tiên với bảng chữ cái thật là thú vị “O tròn như quả trứng gà”. Những cái miệng chúm chím phát âm thật dễ thương. Nhưng Pao vẫn chưa chịu đọc. Nó chưa dừng lại ở đó, những buổi học tiếp theo, Pao đến lớp rất sớm, nào là bẻ hết phấn trắng, nào là bôi quả mắt mèo lên bàn cô giáo. Nhưng cô Thương đã thấy hết, cô vội bước vào phòng, nghiêm khắc hỏi: “Tại sao lại làm thế hở Pao?”. Nó xấu hổ nhìn đi chỗ khác. Nó vẫn chưa nói với cô một lời xin lỗi.
Mùa đông đến, gió thổi lạnh thấu xương. Mưa, đất bùn bám ở mọi ngóc ngách. Sáng nay, bọn trẻ vẫn đến lớp vì chúng muốn thấy cô Thương cười. Đối với chúng nó một nụ cười của cô ấm áp hơn cả vạn ánh lửa. Ở đây chúng nó tìm thấy được “tình thương” - một cái gì đó vô cùng đặc biệt. Cô đến muộn. Cô ái ngại nhìn lớp học dột nát, em nào em nấy đi chân đất, rét run cầm cập, hai tay cứ đặt lên miệng mà thổi như muốn tìm thấy chút hơi ấm. Cô nhìn cảnh ấy mà thương đứt ruột. Cả buổi hôm đó, cô đi từ bàn này sang bàn khác, lấy tay nắm chặt tay buốt giá của các em. Rồi cô xuống phía cuối lớp, nhặt lại những thanh củi nhỏ còn sót lại trong đống củi đã ướt sũng từ đêm qua, đem ra đốt. Cả lớp ngồi bên ánh lửa bập bùng, mặt ai nấy đều cười rất tươi, căn phòng ấm áp rực ánh lửa: lửa từ tình yêu thương của cả lớp giành cho nhau…
          Sau một tuần được nghỉ học, các em nhỏ lại đến lớp. Cô Thương đang đứng trên bục giảng với tay cầm một bao ni lông với bao nhiêu là áo len, áo gi lê, áo phao, giày da, giày vải,… rực rỡ sắc màu. “Oàaaaaaaa” - Bọn nhóc ồ lên bất ngờ. Đối với chúng, đó là một giấc mơ quá cao sang. Đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở như được của, bịt miệng nhìn nhau cười khúc khích. Đến lượt thử đồ, ai cũng tranh nhau, chạy đi chạy lại, ngắn không biết chán cái áo ấm áp. Thì ra những ngày qua cô Thương lên thành phố xin quần áo ấm cho những đứa trẻ mà cô coi như con ruột. Cô cười sung sướng khi thấy ai mặc cũng vừa vặn. Lớp học hôm đó vui lạ thường.
          Bão đến, gió giật từng hồi mạnh, rít qua từng kẽ lá. Mưa nặng hạt, mưa xối xả trút xuống cái bản nhỏ. Nước sông cứ dâng lên từng đợt. Lũ! Lũ cao đến gần hai mét. Nhà nào nhà nấy đều lo lắng, trèo lên xà nhà lánh nạn. Mặt lo âu, lấy gì mà ăn ở cái bản hẻo lánh nghèo nàn này cơ chứ. Từ xa, một bóng thuyền xuất hiện. Cô Thương cùng các cô giáo khác đang trao những gói mì tôm, nước uống, chăn màn mà xã cứu trợ cho các gia đình. Đến nhà Pao, cô thấy nó đang thu mình trong một góc của xà nhà, mắt đỏ hoa đẫm nước, thân run cầm cập khi mặc mỗi manh áo mỏng. Mẹ nó cũng khóc, em nó cũng khóc. “Có chuyện gì vậy em?” - Cô lo lắng. Nó im lặng. Họng nó nghẹn ứ, không nói được, nước mắt chảy thành hàng dài, nó cắn chặt môi. Mẹ Pao khóc nấc lên “Bố thằng Pao… bị lũ cuốn… chết trôi rồi…”. Cô không tin vào tai mình, tay cô ôm lấy mặt Pao : “Thật không em? Không phải đúng không em, em cho cô biết đi?”. Tội nghiệp Pao. Chỉ có thế, nó khóc thét lên. Nó chỉ mới tám tuổi thôi mà, sao mà thảm cảnh thế, sao mà nghiệt ngã thế? Cô ôm nó vào lòng, hai cô cháu nức nở trong mưa gió…
          Bão đến rồi bão lại đi. Nó đến dữ dội để lại cho bản nghèo nhiều hậu quả cũng thật dữ dội. Nó như một cơm ác mộng đâm vào tim Pao. Nhìn em trong cái khăn tang mà cô Thương thấy mình như đang đứt từng khúc ruột. Và nó còn làm đổ cả tổ ấm thứ hai của cô và các em học sinh. Giờ trông nó hoang tàn như chưa bao giờ tồn tại. Bàn ghế, bảng gãy hết cả, cô thất vọng như chưa từng thấy.
          Trong cái cảnh đen tối ấy, chương trình “Đèn đom đóm” đã đến cứu giúp. Những tấm lòng hảo tâm quyên góp tiền xây dựng lại trường cho bản Vừa - bản nghèo nhất nước. Chỉ sau mấy tháng, trường “Thiểu học bản Vừa” được thành lập. Niềm vui hiện trên tất cả khuôn mặt người dân trong bản. Cô Thương cùng các em học sinh chạy đi chạy lại ngắm trường mới, trông mà vui. Thằng Pao cũng thôi không buồn nữa, nó chăm chỉ học và đã được chương trình tặng một suất học bổng giúp em vượt khó vươn lên.
 
 
        Sáng hôm đó, cái Xim chạy đến bảo với cả lớp rằng ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, lớp phải tặng “mẹ” Thương cái gì đo thật ý nghĩa. Ai ai cũng siêng năng, chăm học hẳn. Ngày 20/11 đến, cô Thương vừa bước vào lớp học khang trang, các em đã vỗ tay, đồng thanh hô: “Chúng con chúc cô Thương có một ngày Nhà giáo thật vui vẻ. Chúng con mãi yêu cô”. Dưới lớp, thằng Pao ôm bó hoa còn đẫm sương đêm, trịnh trọng tặng cô và nói: “Con xin lỗi cô và con cảm ơn cô”. Cô quá bất ngờ, xúc động không nói nên lời và mỉm cười trong hạnh phúc./.

Tác giả bài viết: CLB

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây