Trường THCS Sông Trí - Thị xã Kỳ Anh.

https://thcssongtri.edu.vn


Lan man tuổi hoa niên

Hướng về niệm 30 năm thành lập trường, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy giáo cô giáo, các thế hệ học sinh và quý bạn đọc bài viết "Lan man tuổi hoa niên" của tác giả Trần Thị Huyền - học sinh khóa 1989-1993 trường THCS Thị trấn Kỳ Anh.
Cán bộ, GV trường PTCS Thị trấn Kỳ Anh tháng 9/1989
 
Ngày đầu sơ khai nhớ mãi...
        Năm 1989, khi gần đủ 11 tuổi, mình cùng nhiều bạn học sinh trường Tiểu học xã Kỳ Hưng bước vào lớp 6 của ngôi trường vừa mới được thành lập - trường cấp 2 Thị trấn Kỳ Anh (nay là trường THCS Sông Trí). Lúc đó trường toạ lạc trên bãi đất Cồn hoang (trước đây là nơi có nhiều bụi cây rậm rạp, hoang vắng, chúng mình thường rủ nhau đi tắt vượt qua mỗi khi đi rú kiếm củi, hái sim). Ngày khai trường, mình nhớ là chỉ mới có 2 lớp 8, 2 lớp 7 và 2 lớp 6; cơ sở vật chất có duy nhất 1 dãy nhà Văn phòng hiệu bộ 3 gian và 1 dãy nhà cấp 4 lợp ngói (hình như năm sau mới lại có thêm 1 dãy nhà tranh vách đất). Sân trường san ủi chưa xong, cổng trường và hàng rào bao quanh đều bằng các “mên tre thập cẩm” mà học sinh đem tới nộp. Sau khai giảng ít tháng, các bồn hoa, cây xanh tự trồng mới được giao cho các lớp vun tưới, tạo không khí và sức sống cho ngôi trường. Các thầy cô giáo lúc bấy giờ đều còn rất trẻ, đa phần là các thầy cô giáo vừa mới tốt nghiệp đại học về trường mới nhận công tác.
        Hai lớp 6 của chúng mình được ưu tiên học 2 phòng ở 2 đầu nhà văn phòng giáo viên, mỗi phòng ước chừng vài chục m2 (dành phòng giữa là VP nơi hội họp chung của các thầy cô giáo, không có phòng riêng dành cho cô hiệu trưởng như sau này). Lớp học với gần 40 bạn học sinh chen chúc nhau trên 6 (hay 7) cái bàn đặt nguyên một dãy, chừa 1 lối chừng 30 - 40cm để các cô giáo đi lên đi xuống giảng bài, không có bục giảng. Ấy vậy mà, trong cái không gian chật hẹp ấy, tình cảm thầy trò lại mênh mông, tình cảm bạn bè lại rất gắn bó, có những kỷ niệm nhớ đến giờ không thể quên. Cũng từ cái ngày đầu khó khăn ấy, chúng mình mới thấy quý những thành quả dựng xây sau này của nhà trường, mới mơ ước, mới khát khao, thôi thúc mình học hành chăm chỉ,... Và rồi sau này, bất cứ khi nào ngoảnh nhìn lại, cái buổi ban đầu sơ khai ấy lại là kỷ niệm đáng nhớ nhất, đáng trân trọng nhất trong Tuổi thần tiên của chúng ta!
        Ngày nhận lớp, cô giáo chủ nhiệm (cũng là cô giáo dạy Văn) giao mình làm lớp trưởng sau khi thử tài gần chục bạn trong lớp bằng phương pháp “đọc diễn cảm một đoạn văn”. Cũng vì cái uy tín ban sơ tưởng như rất giản đơn ấy, mà sau này, khi làm bất cứ việc gì, mình cũng đều buộc mình “phải hiểu và nói cho tròn ý” trước khi muốn người khác tin và làm theo mình. Những giờ Văn trở thành nỗi mong mỏi của từng cô cậu học trò, vì sau mỗi tiết học, cô giáo lại kể cho cả lớp nghe một câu chuyện cổ tích - phần thưởng cho việc chăm ngoan và học giỏi. Thời bấy giờ, trẻ con quê mình thiếu sách khủng khiếp, nên những câu chuyện kể, những đoạn hội thoại vui của thầy cô lại trở thành “nguồn sống”, nguồn hứng khởi để tụi mình tưởng tượng và mơ ước,... Sau này, cho dù đọc rất nhiều sách, nhưng mình chả nhớ lâu bằng câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, “Cây khế”,... mà bọn mình được nghe cô giáo chủ nghiệm Hoàng Yến kể sau nhiều giờ Văn bổ ích!
       Cô giáo dạy Toán lúc ấy còn trẻ, cô có giọng nói rất trìu mến, chan chứa tình cảm. Ấn tượng nhất là ngoài sổ ghi điểm chung của lớp, cô còn có riêng 1 quyển vở (kẻ viết nắn nót danh sách học sinh lớp) để cho điểm riêng từng giờ Toán. Được học Toán mà cô cho điểm 10 liên tục, khi không có chỗ để ghi điểm nữa cô lại kẻ một trang mới, giờ học nào cô cũng công bố những bạn có tiến bộ. Nên cứ đến mỗi tiết Toán là chúng mình lại tranh nhau phát biểu, tranh nhau xung phong lên bảng, thậm chí tranh nhau nhận bài tập khó để làm theo nhóm. “Bệnh thành tích” đâu không thấy, nhưng thấy ngay từ những ngày đầu ấy, chúng mình đã yêu môn Toán, say sưa tranh luận, sẵn sàng bảo vệ phương án giải đáp của nhóm mình,... Kỷ niệm về trường sau này lại dày thêm nhờ những giờ Toán sôi nổi của “Chị Tâm”!
        Giờ mỗi lần về trường, tôi như lại nhìn thấy hình ảnh mình, một cô bé “đen nhẻm” nhưng hoạt bát và vui vẻ trong những giờ sinh hoạt tập thể tập trung toàn trường, khi luôn được cô giáo Kim Anh cho đứng hẳn lên bàn để “tập mẫu” các bài thể dục nhịp điệu cho các bạn nhìn và làm theo. Hay những buổi tập nghi thức Đội, chỉ là dàn hàng ngang, quay phải, quay trái, đi đều… nhưng đã tốn không ít mồ hôi của huynh trưởng Đinh Sỹ Quân (sau này là thầy dạy môn Vật Lý lớp 8, lớp 9 của mình).
        Ngay từ những ngày đầu học lớp 6 còn bộn bề khó khăn ấy, lớp mình đã được cô chủ nhiệm cho đi dã ngoại ở biển Kỳ Ninh (cả lớp đi bằng xe đạp, mình nhớ là đã va vào một bác chở cá trích trên đường đê Kỳ Ninh, cô trò được bữa nhặt cá vào sọt và xin lỗi rối rít). Hay là dịp toàn trường được đi cắm trại (qua đêm) tại Đồn Biên phòng Đèo Ngang, buổi tối đó các lớp diễn văn nghệ, mình và Hoài Thanh múa bài “Em là bông hồng nhỏ” mà được khán giả tấm tắc khen “hai thằng cu múa dẻo” vì tác giả mái tóc tém của 2 đứa không ai khác là “bàn tay vàng” cô hiệu trưởng Châu Anh. Cũng vì theo mấy tiết mục văn nghệ cô trò tự biên tự diễn ấy mà “cây táo sinh quả vàng” của nhà ông bà Hằng Ngọ bị “phăng teo” thu hoạch hai mùa!
Kỷ niệm buồn....
        Kỷ niệm đáng nhớ nhất và cũng là kỷ niệm buồn duy nhất tuổi hoa niên của chúng mình là năm học lớp 7, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thuý (Kỳ Thư) bị bạo bệnh qua đời. Lũ học trò ngây thơ, nhịn cả bữa cơm trưa, lũ lượt dắt tay nhau đưa tang cô ra giữa cánh đồng đầy nước. Mình nhớ như in cảm xúc rưng rức (vừa tủi vừa tức như ông trời vừa lấy đi của mình thứ gì quý giá lắm!) khi thay mặt các bạn học sinh đọc 8 câu thơ “Tiễn cô” trong Lễ truy điệu của cô. Sau này, mỗi lần về Kỳ Thư, đi qua chợ Điếm, mình lại bồi hồi nhớ đến dòng người mà phần đông là lũ trò nhỏ đưa tiễn cô trong trời mưa như trút ngày ấy.
        Cũng là năm lớp 7, trường tổ chức lao động, học sinh góp đá sỏi lát đường từ cổng vào sân trường. Lớp mình, lúc đó bạn Cường (nay công tác ở Bộ Nội vụ) là lớp phó phụ trách lao động bàn nhau lên bãi tràn sau trường cấp 3 Kỳ Anh để vớt sỏi trắng về nộp “cho oách”!. Cả lớp hăng say lội nước bê sỏi lên bờ, đến lượt lấy sỏi lần thứ 3, mình trượt chân rơi vào vũng trũng, giã gạo uống nước no nê. Cũng may, bạn Cường nhanh trí vừa úp rổ lên đầu mình, vừa lấy tay túm cái vòng đá ở cổ mình (món quà mẹ mua của dì Chung đi Tiệp Khắc về) rồi lôi mình vào bờ. Kỷ niệm hú hồn ngày ấy cũng là cú hích giúp mình học và rất giỏi môn bơi lội sau này!
Nghịch ngợm...
        Làm lớp trưởng, lại là nữ, nhưng mình lại là "đầu têu" của những trò nghịch ngợm của các chàng trai, cô gái 14, 15 tuổi ngày ấy. Từ nhảy dây, chơi ô ăn quan, nhảy ngựa, đánh thẻ, chơi bi,... hay đồng loạt bỏ giờ thể dục, trốn giờ lao động cùng nhau lên xem Toà xử án, vào cơ quan Y thể thổi “bóng bay”, vượt rú hái sim, mua, móc chín,... Hậu quả là bị phạt cũng nhiều, bị dứng dưới cờ, ghi sổ đầu bài, tụt hạng thi đua của lớp cũng lắm! Sau lần tai nạn lao động hú vía khi học lớp 8, lớp mình mới bớt nghịch ngợm, thương thầy cô nhiều hơn và chăm chỉ học hành hơn!
       Nói về vụ tai nạn lao động, lớp mình cũng như nhiều lớp khác tổ chức làm bầu thông, trộn đất sét, lấy khuôn làm bầu, thi đua chạy theo số lượng. Một hôm, nàng lớp trưởng đang mải mê đếm bầu, bỗng trán nhói đau và chảy máu thành dòng bên thái dương trái trước khi ngất lịm, được thầy cô đưa vào bệnh viện. Tác giả của cú ném đá là các chàng lớp B, vì muốn bầu thông lớp A bị méo nên thi nhau ném đá, không để ý, đá bay trúng đầu bạn mình luôn. Cả trường được bữa tán loạn, thủ phạm mặt tím ngắt vì sợ, sáng thứ 2 lại được đứng dưới cờ,...Sau lần đó, các chàng lớp B bỗng hiền lành, dễ thương, chăm ngoan hẳn!(?).
Trái ngọt...
        Tuổi hoa niên như trang giấy trắng, thầy cô vẽ gì lên đó thì sẽ cho thành quả thấy rõ! Các anh chị khoá trước mình đều rất giỏi, chất lượng đại trà hay mũi nhọn của Trường cấp 2 Thị trấn Kỳ Anh thời điểm đó thường được so sánh ngang với trường Năng khiếu huyện (sau này trường Năng khiếu giải tán cũng nhập về trường mình luôn!). Giỏi mà là giỏi toàn diện mới đáng nể! Điểm danh nhiều anh chị, bạn bè thời đó vừa ở đội tuyển Toán, vừa tham gia đội tuyển Văn, vừa giỏi làm thơ ở Câu lạc bộ Văn thơ học trò, vừa giỏi đá banh, văn nghệ, giỏi uốn dẻo, nhảy cao,... Lớp mình cũng theo luôn truyền thống ấy, năm nào cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; năm nào cũng tham gia thi nghi thức Đội, văn nghệ, “Vẻ đẹp tuổi hoa niên”,...toàn huyện. Vinh dự nhất là có đến gần 20 bạn đạt học sinh giỏi tỉnh, xét tuyển vượt cấp (không phải thi) vào cấp 3, là nòng cốt cho lớp chuyên A, chuyên C cấp 3 Kỳ Anh khoá 1993 - 1996; mình và Võ Lý cũng vỡ oà hạnh phúc khi được cô hiệu trưởng Châu Anh và thầy Trần Đức Hiếu đích thân đưa đi nhận giải “Thủ khoa” môn Hoá lớp 9 toàn tỉnh cơ đấy!....
      Giờ ngồi điểm danh lại, các bạn cùng lớp, cùng khoá với mình hầu hết làm nghề giáo viên, một số bạn là công an, cán bộ công chức nhà nước, tất cả đều mạnh khoẻ, tâm huyết và hạnh phúc với nghề; một số bạn vì hoàn cảnh gia đình bỏ học dở chừng nhưng đều làm ăn kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho quê hương Kỳ Anh; nhiều anh chị, bạn bè quay về làm giáo viên tiếp tục gắn bó và đóng góp cho Trường THCS Sông Trí,... Hội trường 30 năm sắp tới được gặp lại chắc chắn sẽ có nhiều chuyện để nói, để kể, để cùng nhớ và cùng vui! Và điều quan trọng nhất là chúng ta về trường để cùng gặp lại thầy cô giáo cũ, tri ân và chứng kiến sự đổi thay của nhà trường – Nơi thắp sáng ước mơ và chắp cánh cho chúng ta thực hiện rất nhiều giấc mơ tuổi hoa niên tươi đẹp!
          Hẹn gặp nhau nhé các bạn của tôi!!!
Tác giả cùng bạn học Võ Lý
Sông Trí, ngày 20/10/2019

Tác giả bài viết: Trần Thị Huyền

Nguồn tin: Thcs Sông Tri

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây